Dưới đây đều là những dự án xuất sắc được vinh danh bởi Interior Design về thiết kế nội thất cho các công ty, bao gồm cả những công ty có quy mô lớn, nhỏ, trung bình đến không gian co-working. Đây sẽ là nguồn gợi ý và cảm hứng mà biết đâu bạn có thể tham khảo cho văn phòng của mình. 

1. Thiết kế nội thất văn phòng hiện đại cho những công ty lớn

Tên dự án: Mc Donald Workplace

Thiết kế: Công ty IA Interior Architects, Studio O+A

Địa điểm: Chicago, Illinois, United States

Không gian: 480.0 ft2

Năm: 2018       

Kiến trúc và nội thất văn phòng của Mc Donald’s HQ tọa lạc ở khu phố West Loop, Chicago được xây dựng giống như một đô thị văn hóa khép kín với đầy đủ tiện nghi và tràn ngập sự hiện đại. Trụ sở mới này bao gồm cả trung tâm làm việc; khu vực đại sảnh nơi nhà hàng chính tọa lạc; trường học đào tạo dành cho nhân viên; khu vực McCafe và bảo tàng lịch sử. Không gian rộng lớn lên đến 480 ft2 nhưng lại được thiết kế để mang mọi người đến gần nhau hơn và giúp gắn kết cộng đồng Mc Donald.

Không gian chứa đựng đa “hương vị”

Sự pha trộn giữa các nền văn hóa và các thế hệ là điển hình của các công ty lớn ngày nay, vì vậy mà văn phòng của họ phải được thiết kế phù hợp với nhiều phong cách làm việc của nhân viên. Trụ sở mới của Mc Donald cũng chứa đựng sự đa dạng như vậy. Khu vực làm việc và phòng họp được thiết kế với cảm hứng từ các đại sảnh sang trọng nhưng không kém phần thân thiện. Mỗi một kiến trúc của trụ sở đều được đảm bảo về sự tiện nghi những vẫn phải gắn kết và hài hòa với nhau để tạo nên một nhịp làm việc năng động và truyền cảm hứng mỗi ngày cho từng nhân viên.

Mỗi tầng gợi mở một câu chuyện

Thách thức đối với 2 đội ngũ thiết kế trụ sở của Mc Donald là làm sao để biến 9 câu chuyện của trụ sở West Loop trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng và xứng đáng với hành trình hơn nửa thập kỷ công ty tạo dựng thương hiệu. Công ty kiến trúc nội thất IA và Studio O+A đã cùng nhau biến trụ sở này thành một câu chuyện mà mỗi một tầng người ta đi qua là một lần chương truyện được lật mở. Mỗi tầng là một yếu tố làm nên thành công ngày nay của Mc Donald, từ nhà bếp, hương vị, con người và đến cả cộng đồng. Mỗi tầng đều cho thấy phong cách làm việc đổi mới và luôn cách tân mà công ty đang theo đuổi.

Ở tòa nhà trung tâm phía ngoài, một chiếc cầu thang đa chiều cùng với chùm phụ kiện trang trí được treo lơ lửng đã tạo nên tiêu điểm nổi bật. Cùng với đó là đại sảnh mang hơi hướng phong cách của nhà thiết kế đồ họa Đan Mạch nổi tiếng M.C. Escher, cũng là nơi diễn ra sự tương tác chính giữa mọi người. Sự kết hợp này đem lại cảm giác mọi thứ đều đang di chuyển cùng một lúc về nhiều người. 

Sự tiếp nối

Nhìn vào thiết kế, bạn có thể thấy mỗi một khoảng khắc thiết kế đặc trưng đều được các kiến trúc sư trừu tượng hóa một cách có chủ đích, bắt nguồn trực tiếp từ chặng đường dài gần 70 năm của Mc Donald. Giống như trên một chuyến đi, đôi mắt của chúng ta luôn hướng về phía trước; trụ sở mới của Mc Donald mang tính biểu tượng, tượng trưng cho chặng đường tiếp theo mà Mc Donald sẽ đi, cả về mặt địa lý và văn hóa. Sứ mệnh của nó kéo dài hàng thập kỷ nhằm đem lại những khoảnh khắc trải nghiệm tuyệt vời nhất của hàng tỷ người.

2. Thiết kế nội thất văn phòng tầm trung

Tên dự án: Expensify Office

Công ty phụ trách: ZGF Architects

Địa điểm: Portland, OR, Mỹ

Diện tích: 17312 ft2

Năm dự án: 2017

Khi công ty công nghệ Expensify mở rộng hoạt động mở rộng đến Portland, OR vào năm 2017, họ tìm thấy một địa điểm tọa lạc hoàn hảo nằm trong tòa nhà trung tâm National Landmark First Bank. Bởi Expensify không sở hữu tòa nhà làm việc của họ nên việc các can thiệp vào việc trang trí nội thất của văn phòng thực sự khó khăn và có giới hạn nhất định. Công ty kiến trúc ZGF đã phụ trách thiết kế nội thất của dự án này. ZGF phải đảm bảo phản ánh được đặc trưng nguyên tắc làm việc của công ty cũng như cội nguồn và câu chuyện phát triển của họ

Không gian thiết kế ở đây nằm trọn trong 4 tầng với vòm nhà mở, cột nhà theo kiểu cổ điển, các khoảng trống lớn với chi tiết Art Deco, một trường phái nghệ thuật và trang trí mang tính chiết trung thanh lịch, quyến rũ, công năng và hiện đại.

Chỗ ngồi là không cố định, phòng hội nghị là không thể đặt trước, và nhân viên chọn nơi ngồi tùy thuộc vào phong cách cá nhân, tâm trạng và công việc họ đang thực hiện.

Tầng chính bao gồm một nhà bếp chứa đầy đồ ăn nhẹ và một khu vực phòng khách với rất nhiều ghế sofa dài bọc đệm và một chiếc bàn gỗ dài 41 feet. Tầng trên bao gồm phòng họp được trang bị với nội thất thẩm mỹ và hiện đại nhất và một phòng salon với các bức tường ốp gương. Tầng 3 lại giống như một ngôi làng được bao bọc bởi gỗ sồi với phong cách thiết kế nội thất mang hơi hướng Scandinavia, chuyên được sử dụng bởi những nhân viên đang có cuộc gọi khẩn hoặc nhóm phòng ban cùng làm việc.

ZGF đã cân bằng giữa nhu cầu không gian và tầm quan trọng về mặt lịch sử của tòa nhà khi thiết kế một loạt phòng hội nghị nổi nằm đối diện và phía trên cầu thang lối vào chính của ngân hàng. Các chi tiết và tỷ lệ thiết kế gợi chúng ta nhớ đến những thước phim bất hủ trong The Great Gastby. Cầu thang được thiết kế bằng sự đan xen các chất liệu gỗ sồi, thép đen và mặt kính, bao bọc xung quanh bởi những không gian làm việc. ZGF đã thực sự sáng tạo khi triển khai ý tưởng thiết kế giống như nhà trên cây với chiếc ghế treo lơ lửng giống như chiếc xích đu ngay giữa không gian làm việc.

Dự án thiết kế văn phòng này đã chiếm được sự yêu mến và thích thú của các nhân viên công ty Expensify và được đánh giá là dự án thiết kế nội thất hay nhất của năm 2018 bởi Interior Design.

3. Thiết kế nội thất văn phòng cho công ty nhỏ

Tên dự án : TKSTYLE Office

Thiết kế nội thất: Jacky.W Design

Địa điểm: Long Feng Lu, Nanhu Qu, Jiaxing Shi, Zhejiang Sheng, China

Không gian: 700.0 m2

Năm: 2018

Chúng ta thường có xu hướng tách biệt giữa công việc và cuộc sống. Nhưng thiết kế của Jacky.W Desgin lại phá bỏ hoàn toàn quan niệm ấy, đem “ngôi nhà” vào trong không gian làm việc. Họ đã tạo ra một không gian mở và đa chức năng cho thương hiệu thời trang TKSTYLE BOUTIQUE.

Một vài cành cây khô được trang trí ở lối vào, mang thiên nhiên vào trong không gian làm việc. Cửa xoay 360 độ lớn giúp trung hòa một không gian bao phủ bởi bê tông và gỗ.

Các nhà thiết kế đã tận dụng và phát huy đầy đủ cấu trúc và chiều cao của không gian ban đầu. Các khu tích hợp để làm việc, tiếp khách, hội nghị và cả tập thể dục được xây dựng thành hai tầng không gian và không có vách ngăn để tránh cảm giác cứng nhắc. Mỗi bức tường đều được lắp đặt cửa sổ để đảm bảo ánh sáng tự nhiên có thể thâm nhập và đem lại sự sáng sủa và thoáng mát cho môi trường làm việc.

Bố cục mở của không gian cũng được các nhà thiết kế tận dụng để xây dựng concept cùng sống và cùng làm việc. Không gian này đề cao sự hợp tác và đoàn kết của một tập thể. Việc tích hợp các tiện ích của gia đình vào trong không gian làm việc một cách hài hòa đòi hỏi sự chính xác và nhạy cảm cao trong trang trí nội thất. Thiết kế dù mang tính ứng dụng công nghiệp, nhưng được kết hợp với các chi tiết nhỏ như nội thất bọc da và phụ kiện trang trí đã làm cho tổng thể không gian trở nên đơn giản mà tinh tế.

Cây xanh giúp làm nổi bật vẻ đẹp của những bức tường, sàn nhà và cột bê tông mộc mạc. Các nhà thiết kế đã phải thử nghiệm tại chỗ 9 lần để đảm bảo sự ổn định của kết cấu bê tông. Điều này cho thấy được sự cầu kỳ và hoàn mỹ trong thiết kế. Việc lựa chọn và sử dụng vật liệu nghiêm ngặt cũng được thể hiện trong các tấm kính siêu trắng và đá cẩm thạch siêu mỏng với hoa văn màu trắng xuất khẩu từ Tây Ban Nha. Sử dụng khéo léo của màu sắc và đường nét, các nhà thiết kế của Jacky.W Design đã tối ưu hóa kết cấu và trải nghiệm không gian.

Cuối cùng, thông điệp mà dự án thiết kế nội thất này muốn truyền tải là “Life is work” - Cuộc sống chính là công việc và bạn sẽ tìm thấy sự cân bằng giữa chúng ở trong một không gian nội thất đã được tối ưu hóa.

Tên dự án: The Assemblage (NoMad và FiDi)

Địa điểm: Mahattan

Công ty thực hiện: Meyer Davis Studio

Diện tích: 48 000ft2

The Assemblage là dự án tái xây dựng lại các tòa nhà sẵn có nhưng mất đến tận 2 năm để hoàn thành. Meyer Davis Studio là công ty đã thực hiện thiết kế văn phòng này với hai địa điểm đầu tiên của Big Apple, một ở NoMad và địa điểm còn lại nằm ở khu tài chính (Financial District - FiDi).

Will Meyer, đồng giám đốc của Meyer Davis Studio chia sẻ về cảm hứng của dự án này “Mọi người không nên chỉ thu mình trong văn phòng của họ. Thay vào đó, chúng tôi muốn tạo nên một trung tâm nơi những con người tài giỏi này bắt đầu hợp tác và làm việc như một cộng đồng hoàn chỉnh. Chúng tôi mong muốn vượt lên cả xu hướng coworking space thân thiện hiện tại để hướng đến một môi trường vì sức khỏe và tái tạo năng lượng.” Nhìn bề ngoài, The Assemblage trông giống như một nhà hàng hơn là một không gian làm việc.

Nội thất trang trí bên trong hầu hết được bọc nệm và sắp xếp một cách nghệ thuật. Cây xanh là điểm nhấn chủ đạo cho không gian làm việc chung này. Các tác phẩm nghệ thuật “xanh” được sắp xếp một cách tỉ mỉ và nổi bật ở khắp mọi nơi. Meyer chia sẻ: “The Assemblage hướng đến một lối sống lành mạnh, đem lại sức khỏe và niềm vui cho mọi người.”

Không gian ở NoMad thực sự tạo nên một ấn tượng choáng ngợp: sảnh chính với bức tường rêu nghệ thuật của Plant the Future tạo nên cảm giác của một khu rừng nhỏ với những chạm khắc chữ tượng hình thần bí. Trong tổng số 12 tầng với 48 000 f2, tầng trệt, tầng 2 và tầng lửng được thiết kế như một khu thiền định và là không gian mở với tất cả mọi người. Tầng 12 có một không gian sự kiện với quầy bar bằng đá cẩm thạch, một chiếc ghế sofa dài được bọc trong sắc xanh ngọc turquoise và ghế phòng chờ cũng được bọc với những họa tiết lạ mắt và thu hút. Phòng chờ Coworking và văn phòng làm việc cá nhân đều được trải thảm họa tiết với các họa tiết hình xoáy nhìn giống như khói. Đi sâu vào tìm hiểu, để làm mềm khía cạnh công nghiệp của không gian ban đầu, Meyer phủ toàn bộ các cột bê tông trong sảnh bằng gỗ sồi trắng và viền thép đen, giữa các cột được trang trí bằng một chiếc đèn chùm.

Điểm đặc biệt của dự án này là tính linh hoạt về phụ kiện trang trí và trang bị nội thất được tùy chỉnh để phù hợp với từng không gian và điều này cho phép mô hình The Assemblage có thể mở rộng. Một trong những mục tiêu chính của hai dự án này là thiết lập một ngôn ngữ thiết kế có thể áp dụng trong những mô hình tương lai.

Nguồn: Tổng hợp