5 phong cách nội thất đang trở thành xu hướng của năm 2019 này sẽ là những ý tưởng tham khảo thú vị cho việc thiết kế không gian sống và định hình phong cách của bạn: Nội thất công nghiệp Industrial, Nội thất đương đại Contemporary, Nội thất nghệ thuật Art Deco, Nội thất Sabby Chic, Nội thất Thiền Zen. 

1. Phong cách nội thất Công nghiệp (Industrial Style)

Đây là phong cách phổ biến trong những dự án tu sửa kho hàng, gác xép. Phong cách nội thất công nghiệp đặt trọng tâm vào việc nhìn nhận kết cấu của tòa nhà dưới cái nhìn hiện đại và tôn vinh vẻ đẹp mộc mạc của nó.

Các bộ phận xây dựng của tòa nhà như dầm, cột, ống dẫn và mép bích được làm nổi bật để nhấn mạnh ứng dụng của máy móc, công nghiệp trong cuộc sống. Phong cách thiết kế nội thất này là một phần của Phong trào hiện đại. Nó không hề kiêng kỵ hay che vẻ thô sơ và nhám ráp của chất liệu công trình, ngược lại, mang lại hơi thở nam tính và mạnh mẽ cho không gian thiết kế.  

Phong cách thiết kế công nghiệp Industrial có xu hướng thiên về những màu trung tính và ấm áp như các tông xám, nâu với chất liệu sắt hoặc thép. Thiết kế thường để lộ lớp gạch và bê tông ngoài một cách hoàn hảo, tinh tế. Cuối cùng, đồ nội thất và trang trí theo hướng vintage cổ điển sẽ giúp hoàn thiện chỉnh thể không gian thiết kế.

2. Phong cách thiết kế đương đại

Phong cách thiết kế đương đại Contemporary đang là xu hướng của hiện tại với bảng màu được không ngừng phát triển và bổ sung để đáp ứng thị hiếu của công chúng. Phong cách này xuất phát từ những quan niệm trong thực tế hiện tại thay vì để tâm quá nhiều đến quá khứ và tương lai.

Nội thất đương đại, về bản chất, vay mượn khá nhiều từ Phong cách hiện đại khoảng giữa thế kỷ 20 (1945 -1975). Tuy nhiên, các yếu tố, đường nét và màu sắc được sử dụng một cách nhẹ nhàng, kết hợp với không gian mở hơn nhằm tạo ra nhiều khoảng trống cho thị giác. Điểm khác biệt của nó so với quan niệm thẩm mỹ hiện đại nằm ở tính cân bằng và sự chú trọng đến những đường nét tròn của nội thất trang trí. Điều này đem đến cho Phong cách đương đại vẻ mềm mại và đơn giản hơn so với phong cách Hiện đại.

Nội thất đương đại không quá gò bò về màu sắc. Nền tảng của phong cách này vẫn là những gam màu trung tính như trắng, be, nâu và hoàn toàn có thể kết hợp thêm các màu sắc nổi bật để làm điểm nhấn.

Không quá lạnh lẽo, cũng không quá trang trọng, không gian của nội thất đương đại đem lại vẻ ấm cúng và mềm mại cho cuộc sống của bạn.

3. Phong cách nội thất Art Deco

Art-deco là phong cách nội thất chiết trung, kết hợp giữa các họa tiết thủ công truyền thống với hình ảnh và vật liệu máy móc. Ra đời vào khoảng những năm 1920, đặc trưng của nó nằm ở sự phong phú về màu sắc, hình dạng hình học táo bạo và những chi tiết trang trí xa hoa.

Trọng tâm của Art Deco là sự khám phá về hình học, đường nét, trật tự và sự đối xứng. Điển hình cho phong cách thập niên 90 này là các hoa văn góc cạnh, thiết kế nhiều lớp và các đường cong táo bạo được tạo nên bởi chất liệu sơn bóng, gỗ sơn mài, phụ kiện mạ crôm hay đồng thau sáng bóng.

Xét về màu sắc, Art Deco sử dụng những gam đen bóng, crom, vàng, bạc, đỏ, xanh lá cây, xanh da trời và màu be làm gam màu chủ đạo.

Với Art Deco, bạn có thể thoải mái thể hiện sự táo bạo và phá cách, bởi, ý nghĩa sơ khai của phong cách này là đem đến nét thẩm mỹ mới cho một giai đoạn mới. Nỗ lực của phong cách này chính là việc chối bỏ những tàn tích và định ước xưa cũ, những khuôn vàng thước ngọc của kiến trúc cổ điển. Có thể nói, Art Deco chính là cuộc cách mạng.

4. Phong cách nội thất Shabby Chic

Shabby Chic lần đầu được biết đến ở Anh vào khoảng kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng phải đến tận những năm 1980, Shabby Chic mới thực sự trở thành một phong cách thiết kế nội thất phổ biến, không chỉ ở Anh mà trên toàn thế giới. Khái niệm Shabby Chic ngày nay cũng được áp dụng cho cả thời trang. Hơn thế nữa, đám cưới theo chủ đề Shabby Chic đang là một xu hướng lên ngôi hiện tại.

Đồ đạc mang hơi hướng Shabby Chic thường mang màu sắc nhạt với tông màu chủ đạo là trắng và be. Bên cạnh đó, những màu như hồng nhạt, xanh lá, xanh da trời, và những tông pastel trung tính cũng thường được sử dụng làm hài hòa tổng thể và tạo chiều sâu cho không gian thiết kế. Những đồ đạc mới thường được phủ vài lớp sơn và rồi lại dùng giấy nhám tạo nên các vết xước trên đồ đạc để tạo nên vẻ ngoài cũ kỹ.

Phần quan trọng nhất của decor theo hướng Shabby Chic là phụ kiện, ví dụ như những chiếc kệ đựng đồ xờn xước mang hơi hướng hoài cổ (vintage) trong phòng tắm và nhà bếp, những đồ đạc được trang trí bởi họa tiết hoa cỏ hay nến tealight lãng mạn. Phụ kiện Shabby Chic là điểm nhấn thanh lịch cho bất kì tổng thể nào.

Phong cách Shabby Chic có lẽ không dành cho tất cả mọi người, nhưng đặc biệt phù hợp cho những ai yêu thích sự lãng mạn và trang nhã.

5. Thiết kế nội thất Thiền (Zen) Châu Á

Mang các nguyên lý cốt lõi của triết học truyền thống Nhật Bản vào cuộc sống, nội thất Phong cách thiền chú trọng vào sự cân bằng, hòa hợp và thư giãn.

Bảng màu vật liệu chủ yếu là những tông màu hữu cơ, màu sắc tự nhiên, mềm mại, chẳng hạn như màu trắng, xám be để tạo nên một không gian thiền định và thư thái. Cho một chút nhấn nhá, bạn nên sử dụng những màu gần tông với màu chủ đạo như màu lông chuột hay gỗ hồng mộc để tạo sự hài hòa

Về chất liệu, sàn gỗ và các loại vải tự nhiên, sáng màu là sự lựa chọn thích hợp. Nhất là đối với rèm cửa, chất liệu và màu sắc phải mang lại cảm giác thân mật, giảm tiếng ồn và ngăn chặn không khí bụi bẩn.

Nội thất theo phong cách thiền đặc trưng bởi đường nét đơn giản, gọn gàng, tránh rườm rà phức tạp. Đồ trang trí cũng nên được tối giản và cây xanh sẽ là item tuyệt vời để đem thiên nhiên vào không gian thiền định của bạn.

Bạn yêu thích kiểu phong cách nội thất nào? Tại Caza, chúng tôi cung cấp hàng nghìn mẫu sản phẩm phù hợp với nhiều phong cách nội thất khác nhau mà bạn theo đuổi. Tham khảo ngay tất cả các sản phẩm nội thất tại đây!

Nguồn: https://adorable-home.com