Chọn lựa kích cỡ thảm thường là vấn đề đau đầu cho mỗi người nội trợ. Một tấm thảm lớn cỡ nào thì phù hợp với không gian cần trang trí? Những hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn tìm được kích cỡ và vị trí lý tưởng cho phụ kiện trang trí này trong gia đình.

Caza thường hay nhận được câu hỏi về các quy tắc chọn lựa kích cỡ thảm trang trí trong phòng. Đây quả thực là câu hỏi khá hóc búa bởi sẽ có rất nhiều “quy tắc” và nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề này.

Một quy tắc phổ biến là kích cỡ thảm chỉ nên kéo dài từ chân trước của ghế sofa đến chân trước của những chiếc ghế phụ. Quy tắc này giúp thống nhất các món đồ nội thất của bạn trong một không gian được định hình bởi tấm thảm và tạo nên sự liên kết trong trang trí.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mọi chân ghế của các món nội thất nên được đặt trên thảm.

Vì vậy, thay vì bị ràng buộc và rối bời bởi bởi các quy tắc, bạn chỉ nên để tâm đến chúng và để chúng giúp đỡ bạn trong việc quyết định kích cỡ thảm mang lại hiệu quả thị giác mong muốn trong nhà.

Quy tắc 1: Mọi chân trước của đồ nội thất đều nằm trên thảm

Đây là một căn phòng tuyệt đẹp được thiết kế bởi Visual Jill. Có thể thấy, những chân trước của ghế sofa được đặt ngồi trên tấm thảm, trong khi những chiếc chân khác vẫn được kê trên sàn. Quy tắc này đạt được hiệu quả mong muốn trong hầu hết căn phòng. Tấm thảm sẽ kết nối các món nội thất khác nhau trong một chỉnh thể, đồng thời kích cỡ được kéo dài vừa đủ để tạo ra cảm giác đối xứng trong phòng.

Căn phòng của North Folk Design cũng tuân theo quy luật này. Nó đặc biệt thích hợp trong các không gian lớn bởi tông màu của thảm gần giống với nền sàn, khiến khoảng cách giữa các món đồ nội thất dường như bị phá bỏ và kéo dài không gian một cách sáng sủa hơn.

Quy tắc 2: Chân trước của ghế sofa nằm trên thảm và một vài chiếc ghế phụ nằm hoàn toàn trên thảm

Trước khi chuyển sang ví dụ về quy tắc tất cả các chân ghế được kê trên thảm, hãy xem xét sự kết hợp giữa hai quy tắc 1 và 3. Trong phòng khách được thiết kế bởi Lauren Nelson Design, chỉ có hai chân trước của ghế sofa ngồi trên tấm thảm, trong khi những chiếc ghế phụ còn lại nằm hoàn toàn trên thảm.

Quy tắc này hiệu quả hơn tùy thuộc vào kích thước của phòng và sự tương phản giữa màu thảm và màu sàn. Nếu màu sắc thảm của bạn tương phản hẳn, bạn nên áp dụng quy tắc này thay vì quy tắc 1 để các phạm vi màu sắc được gọn gàng và phân chia có trật tự.

Quy tắc 3: Mọi chân nội thất đều nằm trên thảm

Một mẹo khi chọn kích cỡ thảm là bạn nên xác định vị trí đồ nội thất trước khi chọn tấm thảm sẽ sử dụng. Điều này dẫn đến quy tắc tiếp theo: Một căn phòng trông hài hòa và liên kết hơn nếu chân của các món đồ nội thất được đặt cố định trên thảm. Quy tắc này cũng được áp dụng trong căn phòng bởi Lucy Interior Design.

Quy tắc 4: Không có chân nội thất nào nằm trên thảm

Nếu bạn muốn sử dụng một tấm thảm nhỏ, ví dụ như tấm thảm họa tiết làm điểm nhấn trong trang trí, quy tắc này là dành cho bạn. Không có đồ đạc nào chạm vào tấm thảm cả. Điều này tạo nên một tổng thể hoàn toàn khác so với 3 quy tắc còn lại mà bạn có thể so sánh trong căn phòng của Novak + Huizenga Studio này.

Quy tắc 5: 45 cm (18 inches) sàn trống xung quanh tấm thảm

Đây là quy tắc quy chuẩn cho mọi thời đại, rằng bạn nên đảm bảo 45 cm sàn trơn giữa cạnh của tấm thảm và các mép tường hở. Đây là một tỷ lệ truyền thống cực hiệu quả với các căn phòng được bao quanh và tách biệt với các căn phòng khác. Chẳng hạn như căn phòng này của Katie Postel Interiors. Điều này cũng có nghĩa là tỷ lệ này không hoạt động hiệu quả với không gian mở.

Nếu bạn sử dụng quy tắc này trong một căn phòng nhỏ, bạn nên giảm tỷ lệ này xuống thành 20cm (8 inches) sàn trơn.

Quy tắc 6: Chỉ một vài inches sàn trống xung quanh tấm thảm

Phòng ăn này của Michelle Dirkse đã ứng dụng thành công quy tắc này khi tấm thảm gần như bao phủ cả căn phòng và chỉ chừa lại một vài inches khoảng cách đến mép tường. Tuy là một tỷ lệ truyền thống nhưng căn phòng vẫn đem lại cảm giác hiện đại nhờ vào phong cách trang trí.

Quy tắc 7: Kéo dài tấm thảm từ 30 – 45cm xung quanh giường

Để một tấm thảm khu vực trông cân đối dưới giường, nó phải đủ rộng để vượt ra ngoài các cạnh của giường ít nhất 45cm cho giường cỡ lớn (king và queen size) và ít nhất 30cm cho giường đôi. Tùy thuộc vào kích thước của căn phòng, tấm thảm có thể mở rộng hơn xung quanh giường, như trong căn phòng này của Lauren Nelson Design. Tuy nhiên, tỷ lệ này không thể ít hơn bởi nó sẽ làm cho tấm thảm trông lạc lõng khi bị che phủ bởi giường.

Tuy nhiên, ý tưởng đặt một tấm thảm nhỏ hơn dưới chân giường cũng rất hay vì nó mang lại một chút hoa văn thu hút hơn. Ở đây chiều rộng tấm thảm nên lớn hơn chiều rộng của giường để đem lại cảm giác cân bằng.

Quy tắc 8: Kéo dài tấm thảm tầm 60cm xung quanh một chiếc bàn

Việc điều khiển ghế ăn sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có ít nhất 60cm thảm kéo dài từ mép bàn ở tất cả các mặt. Ví dụ cho quy tắc này là căn phòng thiết kế bởi D2 Interiors. Quy tắc này cho phép chân sau của ghế nằm trên tấm thảm, ngay cả khi được sử dụng. Đây có thể là một mục tiêu thiết kế khó đạt được do những chiếc bàn ăn khá to và bạn phải tìm được một tấm thảm đủ lớn.

Quy tắc 9: Bao phủ khu vực lối đi

Tấm thảm nên che phần lớn khu vực đi bộ trong hành lang hoặc lối vào. Bạn có thể tham khảo ý tưởng này trong thiết kế dưới đây:

Quy tắc 10: Kết hợp những tấm thảm

Việc kết hợp những tấm thảm khác nhau sẽ rất hiệu quả trong các căn phòng rộng, đặc biệt là những không gian mở với nhiều sắp xếp khác nhau. Nó giúp định hình không gian và tạo nên bố cục sáng sủa cho thiết kế của bạn.

Quy tắc 11: Bẻ cong mọi quy tắc

Dù tất cả mọi quy tắc được đặt ra đều có giá trị riêng của nó, bạn vẫn có thể phá bỏ mọi quy tắc nếu muốn và căn phòng tuyệt đẹp của Lynn Unflat Interiors là minh chứng cho điều này.

Nguồn: https://www.houzz.com